Câu chuyện Ngựa_Kiền_Trắc

Có nhiều câu chuyện xoay quanh con ngựa này, trong đó nguồn gốc của nó còn có ý kiến khác nhưng giai đoạn con ngựa này phục vụ Thái tử và chở ông này đi tu và sau đó chết đi thì nội dung tương tự nhau ở các câu chuyện và các văn bản. Những mô tả về cái chết của ngựa cũng chưa thống nhất trong các văn bản nhưng kiếp sau của nó thì cơ bản thống nhất.

Nguồn gốc

Theo thuyết Phật giáo thì cho rằng con ngựa này tồn tại vào thế kỷ thứ VI Trước Công nguyên, ở BiharUttar Pradesh, Ấn Độ (sinh năm 623 TCN-mất năm 594 TCN). Một câu chuyện cho biết Kiền Trắc là giống ngựa quý từ Phương Đông được đem cống cho hoàng cung vua Tịnh Phạn và nó thuộc sở hữu của Thái tử Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn, dòng họ Thích Ca. Nó được Thái tử gọi là Kanthaka nhưng cũng có những người gọi nó là Kiền Trắc được vua Tịnh Phạn chọn làm quà sinh nhật thứ mười lăm cho Thái tử. Nó được tuyển lựa kỹ càng trong một trăm ngựa quý từ kinh thành Tỳ-Da-Ly, mang về. Kanthaka là con ngựa đẹp nhất của vương quốc lân bang mà vì tình giao hảo nên vua này đã có được.

Theo câu chuyện này, do vị Thái tử đã thắng hầu hết những giải quan trọng như bắn cung, cưỡi ngựa và nhận được giải thưởng là một thớt voi trắng và một con ngựa trắng. Khi Sa Nặc (Channa) dắt nó tới gần thì nhà vua tiến về phía nó, cầm lấy giây cương, rồi đích thân vua trao giây cương cho Thái tử và nói đó là quà sinh nhật của ông này. Khi nhìn vào thái tử khiến từng sợi tơ bờm trắng của nó rung, khi Thái tử nghiêng xuống, vòng hai tay ôm lấy đầu nó thì đôi vành tai nó không thể không lay động, và bốn vó nó khó mà không nhún nhẩy theo dòng nhạc. Từ hôm đó, nó được gần gũi với Thái tử.

Những câu chuyện phổ biến hơn cho biết ngựa Kiền Trắc được sinh ra trong nhà của Đề-Bà-Đạt-Đa, là con ngựa bạch của hoàng thân Đề-Bà-Đạt-Đa, anh em bà con với Thái Tử Tất Đạt Đa. Những câu chuyện liên quan đến thuyết Phật kể rằng, Kiền Trắc là một trong bảy nhân vật đồng sanh cùng với Tất Đạt Đa trong đêm trăng tròn tháng 4 năm 623 Trước Công nguyên. Kiền Trắc vừa sinh ra đã đứng dậy trên bốn chân loạng choạng, chưa vững nhưng đuôi đã ve vẩy. Sau vài cái vẩy đuôi nó đứng thẳng lên và cất tiếng hí. Nhiều con vật ở các chuồng xung quanh để ý hướng về nó. Khi trưởng thành nó dài 18 cubit (đơn vị đo chiều dài ngày xưa bằng 45 cm 72) và là một con tuấn mã hay.

Khi ở nhà Đề-Bà-Đạt-Đa, ngựa Kiền Trắc bị đối xử tàn tệ. Những câu chuyện cho biết Đề-Bà-Đạt-Đa đánh đập, khổ sai những con vật, cho chúng ăn gạo đục, uống nước bẩn. Các con vật vì thế sợ Đề-Bà-Đạt-Đa, chỉ cần thấy bóng dáng thì liền cúi đầu, im lặng. Nhưng điều đặc biệt là con ngựa Kiền Trắc thì vẫn vang, chạy nhảy mỗi khi thấy Đề-Bà-Đạt-Đa. Ông ta ra sức hành hạ nó nhưng đòn roi không làm khuất phục con ngựa, Kiền Trắc thậm chí còn dữ dằn hơn, giơ chân đe dọa những kẻ dám đánh mình.

Kiền Trắc theo bản năng như thách thức sự áp đặt làm hoàng thân ngạc nhiên và tức giận, khi thấy tất cả gặp mình tỏ ra run sợ khép nép, riêng con ngựa Kiền Trắc gặp lại vẩy đuôi. Kiền Trắc ăn rất ít mà lại chạy rất xa dẻo dai, vẫn vẩy đuôi như vẫn tỏ ra không mệt mỏi. Hoàng thân ra sức vung roi đánh đập Kiền Trắc vào be sườn non, vào bất cứ chỗ nào trên mình Kiền Trắc. Mặc dù bị hành hạ nhưng Kiền Trắc còn sức còn ve vẩy đuôi như tỏ ra bất chấp, như trêu ngươi. Đề-Bà-Đạt-Đa cuối cùng phải nhốt vào hầm không cho ăn uống.

Chủ mới

Những câu chuyện kể lại rằng Thái tử Tất Đạt Đa nghe tin đồn về một chú ngựa bị hành hạ. Ông này liền tìm đến xin Đề-Bà-Đạt-Đa bàn giao cho mình con ngựa này. Khi thấy con ngựa bị bỏ đói ốm nhom, thương tích đầy người nhưng gặp vị Thái Tử trẻ tuổi không tỏ ra buồn rầu, vô tư ve vẩy đuôi. Hoàng thân trong cơn giận, muốn cho cho khuất mắt nên đã đồng ý. Kiền Trắc có nơi ở mới. Kiền Trắc được đưa về phủ của thái tử và nuôi dưỡng. Điều này làm Kiền Trắc cảm động nên rất nghe lời Tất Đạt Đa và chỉ có thái tử mới có thể sai bảo được nó.

Sa Nặc (Chana) chăm sóc con vật. Ngựa được ăn loại tốt nhất, sàng sẩy sạch sẽ, lúa mạch non ngậm sữa đòng đòng ướt đẫm sương đêm, nó thường xuyên tắm mát, được ăn ngon, nên con ngựa phục hồi sức khoẻ nhanh chóng, bộ lông trắng bóng mượt như được xoa dầu. Cho dù bị hoàng thân bỏ đói, khi được ăn no, Kiền Trắc trở nên nhẹ nhàng bốn vó tung bay trên đường. Dù vậy, Thái Tử ít khi để ngựa Kiền Trắc phải vất vả. Thái Tử cởi ngựa dạo chơi trong rừng, một vòng qua xóm làng, qua hoàng thành, mặc dù Kiền Trắc luôn vẩy đuôi, nhưng ông chủ lắng nghe chú thở phì phò có vẻ mệt mỏi thì đều cho ngựa dừng lại nghỉ ngơi và thong dong bước kiệu trở về.

Phục vụ Thái tử

Những bức tượng mô tả ngựa Kiền Trắc đang phục vụ cho Tất Đạt Đa

Do tục lệ của thị tộc Kshatriya Sakya, thái tử buộc phải chứng tỏ có những kỹ năng xứng đáng của một chiến binh như cưỡi ngựa, cưỡi ngựa bắn cung. Trên lưng Kanthaka, thái tử đã đánh bại người anh em họ Devadatta trong cuộc thi bắn cung, Anuruddha trong cuộc thi cưỡi ngựa do con ngựa này phối hợp ăn ý.

Trong ngày hội kén rể của vua Thiện Giác, với sức phi nhanh của Kiền Trắc, đã bỏ rơi các con ngựa của các công tử khác đến hai vòng đua. Không một con ngựa nào trong nhóm đó có thể sánh với con Kiền Trắc. Sau đám cưới, Kanthaka là con ngựa kéo xe do Channa, người hầu cận đứng đầu hoàng gia điều khiển hộ tống thái tử Siddhartha đi đây đó trong vùng Kapilavastu.

Trên đường, Channa không dùng roi, vì chỉ cần nhích nhẹ giây cương là nó đã biết ý chủ. Channa cùng Thái tử thưởng ngoạn cảnh đẹp mà Thái tử còn thường muốn tới những nơi cùng khổ, đói nghèo để thăm viếng, giúp đỡ. Trong suốt những cuộc hành trình trên xe ngựa Kanthaka, Channa đã giải thích cho thái tử cảnh tượng hiện thực xã hội. Cuối cùng, ông này đã đi đến quyết định xuất gia và dùng Kanthaka trốn khỏi cung điện khi người lính canh cuối cùng ngủ thiếp đi. Ban đầu người hầu cận Channa đã phản kháng và cự tuyệt chấp nhận quyết định bỏ trốn của thái tử, nhưng sau đó ông đồng ý.

Sứ mạng

Sau đó Channa thắng yên Kanthaka chở thái tử, dẫn lối ra khỏi kinh thành đến khu rừng bên bờ sông Anoma trong Cuộc ra đi vĩ đại (Le grand départ). Họ ra đi lúc nửa đêm và đến rạng sáng thì tới cánh rừng cách thành Ca-tỳ-la-vệ rất xa. Vào năm Thái tử được 29 tuổi đã trốn khỏi kinh thành Ca-Tỳ-La-Vệ (Kapilavatthu) trong đêm trăng tròn rằm tháng sáu bằng con ngựa này.

Truyền thuyết kể rằng, họ đã vượt qua nhiều vương quốc nhưng không một ai biết bởi bốn vó ngựa dường như không phát ra tiếng động do chư Thiên nâng đỡ. Trong 1 đêm, ngựa Kiền Trắc đã vượt một chặng đường dài 30 do-tuần, vượt qua khỏi dòng sông Anomā để đưa Thái tử xuất gia tầm đạo[3]. Sau khi Bồ-tát cắt bỏ râu tóc và gửi lại cân đai áo mão cho Xa-Nặc mang trở về trình vua cha, ông xuống ngựa và chỉ đạo Xa Nặc đem ngựa trở về hoàng cung.

Theo các kinh sách, Kanthaka đã nhảy sang bờ bên kia sông. Nó cùng người giữ ngựa Sa Nặc đã đưa Thái Tử Tất Đạt Đa vượt hoàng thành Ca Tỳ La Vệ để xuất gia ngay giữa một đêm trăng lạnh mùa xuân. Sau đó, Channa cưỡi Kanthaka trở về cung điện[4] trao cho đức vua Suddhodana trang phục, quần áo, vũ khí và lọn tóc của thái tử. Sau khi chia tay Thái tử tại bờ sông Anoma thuộc Ấn Độ, ngựa Kiền Trắc phát bệnh rồi chết, sau đó tái sinh lên cõi Trời làm thiên nhân.

Cái chết

Cái chết của Kanthaka được mô tả khác nhau theo từng văn bản có khi nói nó được tìm thấy xác tại bờ sông Anoma hay trên đường trở về Kapilavastu. Theo các kinh sách Phật giáo, như Phật bản hạnh cho biết sau khi đưa thái tử xuất gia, Kiền Trắc trở về thành buồn bã không ăn, chẳng bao lâu mạng chung, sanh lên cõi trời thứ 33 (Đao Lợi).

Trong kinh Thiên cung sự (Vimānavatthu) có chép rằng ngựa Kiền Trắc sinh ra một ngày với thái tử Thích Ca, tại thành Ca-tỳ-la-vệ. Khi thái tử định xuất gia, ông ta đến vỗ về con ngựa và bảo nó đưa lên rừng, ngựa Kiền Trắc lấy làm hân hoan. Đưa ông lên rừng rồi, lúc trở về, nó chẳng còn muốn sống nữa. Nó nhịn ăn và qua đời. Do công đức to lớn là đã đưa một vị Phật toàn giác lên đường xuất gia, Kanthaka tái sinh là một thiên nam trên cõi trời Đao Lợi. Ở cõi trời ấy, có đủ cung điện nguy nga, vị trời ấy cũng lấy tên là Kiền Trắc (Kantaka) với cung điện cao to lộng lẫy bằng ngọc lưu ly (veḷuriya) và đủ thứ ngọc báu. Ngài Mục Kiền Liên, 1 trong 10 đại đệ tử của Phật, khi lên cõi trời Đao Lợi đã gặp vị trời Kiền Trắc. Vị trời ấy đã đến chào Mục Kiền Liên và thuật lại đời mình khi làm con ngựa Kiền Trắc ở cung vua Tịnh Phạn.

Một số sách còn ghi rằng khi biết thái tử thành đạo, Kiền Trắc (bấy giờ là chư thiên) đã hạ sanh xuống thành Na-ba, Trung Thiên Trúc, là con của một vị Bà-la-môn, lớn lên vị này đến chỗ Đức Phật nghe pháp, được giải thoát và nhập Niết bàn.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ngựa_Kiền_Trắc http://www.rootinstitute.com/buddhism_shakyamuni_s... http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nhung-con-ng... http://www.watlaori.org/who%20is%20buddha.pdf https://en.wikipedia.org/wiki/Bee_(mythology) https://en.wikipedia.org/wiki/Cicada_(mythology) https://en.wikipedia.org/wiki/Coyote_(mythology) https://en.wikipedia.org/wiki/Emmet_(heraldry) https://en.wikipedia.org/wiki/Fictional_depictions... https://en.wikipedia.org/wiki/Ged_(heraldry) https://en.wikipedia.org/wiki/Giant_squid_in_popul...